KHUYẾN CÁO Của Ban Nông nghiệp về các biện pháp phòng chống rét cho gia súc, gia cầm

Đăng lúc: 14:47:35 09/02/2024 (GMT+7)

KHUYẾN CÁO Của Ban Nông nghiệp về các biện pháp phòng chống rét cho gia súc, gia cầm

UBND XÃ HOẰNG THẮNG   CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

BANNÔNG NGHIỆP                                      Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số ......../ KC- BNN                               Hoằng Thắng, ngày 23 tháng 1 năm 2024

KHUYẾN CÁO

Của Ban Nông nghiệp về các biện pháp phòng chống rét cho gia súc, gia cầm

Kính gửi:         Các chủ hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trong toàn xã.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia trong những ngày cuối năm thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, thức ăn khan hiếm là điều kiện làm giảm sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm; hiện nay chăn nuôi đang tái đàn, nhập đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm trong dịp tết Nguyên Đán 2024 là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và phát tán trong môi trường;

Để chủ động phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh động vật; kịp thời ứng phó với các tình huống thời tiết bất thường xảy ra, nhất là rét đậm, rét hại kéo dài với nền nhiệt thấp, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại gây ra cho vật nuôi.

Ban Nông Nghiệp xã khuyến cáo để bà con nông dân có biện pháp phòng chống rét cho gia súc, gia cầm như sau:

      1. Đàn Trâu, Bò

- Chuồng trại: Chủ động gia cố, che chắn, đảm bảo chuồng trại đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt nền chuồng. Dự trữ chất đốt: Củi, trấu, mùn cưa ... để đốt, sưởi cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.

- Thức ăn: Thực hiện các biện pháp bảo quản và dự trữ thức ăn, nhất là rơm rạ, cỏ khô; chế biến thức ăn ủ chua, rơm ủ urê; tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò. Chuẩn bị thức ăn tinh (bột ngô, sắn, cám gạo...), khoáng, Vitamin để cung cấp đủ cho gia súc trong những ngày giá rét.

- Chăm sóc nuôi dưỡng:

      + Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng; trâu, bò già, yếu; gia súc non cần có chế độ nuôi dưỡng phù hợp để tăng cường phòng chống rét và dịch bệnh.

      + Cho trâu bò ăn đủ lượng cỏ các loại (cỏ xanh, cỏ ủ hoặc rơm khô, rơm ủ urê) với lượng từ 30 - 40kg và 3,5kg thức ăn tinh (là bột ngô, sắn, cám gạo...) trong một ngày đêm đối với 01 trâu bò khối lượng 300 kg.

      + Bổ sung muối ăn với lượng 15g (tương đương với 3 thìa cà phê) bằng cách hoà vào nước uống (nước ấm là tốt nhất) cho trâu, bò uống.     

      + Không cho trâu, bò làm việc, chăn thả ngoài trời khi nhiệt độ dưới 12oC .. Nhốt trong chuồng kín gió, nền chuồng khô ráo, sưởi ấm vào ban đêm; mặc áo chống rét bằng bao tải gai, bao tải dứa để giữ ấm cho trâu bò.

+ Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vác xin cho trâu, bò theo quy định: Tụ huyết trung, Lở mồm long móng…

      2. Đối với lợn

Chuồng trại vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, không để đọng phân, nước thải trong chuồng; che kín xung quanh chuồng nuôi, không để gió lùa nhất là vào ban đêm; làm chuồng úm đối với lợn con theo mẹ. Không cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày mưa rét nhiệt độ xuống dưới 12oC.

      Cho uống đủ nước sạch, mát, bổ sung thêm các Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá trộn vào nước uống, thức ăn theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Khẩu phần ăn đảm bảo đầy đủ, cân đối chất dinh dưỡng đối với từng đối tượng lợn.

      Định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc bằng các loại hoá chất như: Virkon, Han-Iodine, Benkocid, vôi bột …

      3. Đối với gà

      Chuẩn bị đầy đủ phên, bạt để che chắn, chống gió lùa; bổ sung thêm bóng điện (bóng tròn, bóng hồng ngoại) để sưởi ấm cho gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại.

Mật độ nuôi hợp lí đối với gà đẻ: 6-8 con/m2, gà thịt: 8 - 10 con/m2

      Đảm bảo thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi của gà; cho uống đủ nước sạch, ấm và bổ sung thêm đường Gluco, các loại Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá để nâng cao khả năng chống bệnh cho gà.

      Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thay chất độn chuồng.

      Định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc bằng các loại hoá chất như: Virkon, Han-Iodine, Benkocid, vôi bột …

      Ngoài các biện pháp đã thực hiện như trên, cần theo dõi thường xuyên tình trạng đàn vật nuôi để phát hiện, xử lý kịp thời khi đàn vật nuôi có biểu hiện ảnh hưởng do đói, rét, dịch bệnh.

Trên đây là khuyến cáo của Ban Nông Nghiệp về các biện pháp phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa Đông. Kính mong các chủ hộ chăn nuôi quan tâm lưu ý.

BAN NÔNG NGHIỆP XÃ HOẰNG THẮNG

 

  
0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
280949