BÀI KHUYẾN CÁO Các biện pháp phòng nhận biết và phòng chống dịch bệnh dại

Đăng lúc: 16:14:06 19/03/2024 (GMT+7)

BÀI KHUYẾN CÁO Các biện pháp phòng nhận biết và phòng chống dịch bệnh dại

 

BÀI KHUYẾN CÁO

Các biện pháp phòng nhận biết và phòng chống dịch bệnh dại

 

Theo thông tin từ Hệ thống Quản lý thông tin Dịch bệnh động vật Việt Nam, bệnh Dại động vật trên cả nước đang diễn biến rất phức tạp có chiều hướng tăng, từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 235 ổ dịch bệnh Dại tại 31 tỉnh, thành phố, làm 80 người tử vong (trong 05 năm qua, cả nước bệnh Dại đã làm 410 người tử vong, có 2,7 triệu người phải tiêm phòng vắc xin và điều trị dự phòng bệnh Dại).

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 03 ổ dịch bệnh Dại tại huyện Thạch Thành (xã Thạch Tượng), huyện Như Xuân (xã Bãi Trành, xã Xuân Bình) làm 02 người tử vong do tiếp xúc với chó mắc bệnh Dại.

Hiện nay bệnh Dại diễn biến ngày càng phức tạp và lây sang người cao do các nguyên nhân sau:

+ Tổng đàn chó, mèo lớn, nhưng công tác quản lý nuôi chó, mèo chưa được chặt chẽ, tình trạng chó thả rông nơi công cộng, không có rọ mõm, xích, không có người dắt còn phổ biến;

+ Công tác thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh Dại, chưa thường xuyên, liên tục, chưa hiệu quả; nhận thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế;

+ Việc kinh doanh, vận chuyển chó, mèo, gia cầm từ huyện khác vào địa bàn huyện khó kiểm soát;

+  Công tác thống kê số lượng chó, mèo, gia cầm tại các địa phương chưa chính xác, không đúng với thực tế, dẫn đến tỷ lệ đàn chó mèo, gia cầm được tiêm vắc xin đạt tỷ lệ thấp;

+ Vi rút Dại, còn lưu hành trên động vật, gia cầm;

+ Chưa áp dụng nghiêm các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc xin Dại cho chó theo quy định;

+ Nhận thức của một bộ phận người dân về mức độ nguy hiểm và các quy định về phòng, chống bệnh Dại, CGC còn hạn chế.

Trước nguy cơ dịch bệnh Dại động vật và bệnh cúm gia cầm gia tăng và lây lan trên diện rộng tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Dại trên động vật và Cúm gia cầm.

 Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh trên địa bàn UBND các thị khuyến cáo một số dấu hiệu nhận biết về bệnh Dại như sau:

I. BỆNH DẠI.

Là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguy hiểm đối với con vật và tính mạng con người.

Bệnh Dại do virus hướng thần kinh gây ra, không có thuốc đặc trị, con vật bị bệnh thường điên cuồng hay bại liệt rồi chết, tỷ lệ chết là 100%.

Bệnh dại chủ yếu là từ chó, mèo, là động vật rất gần gũi, thân thiết với con người, người bị chó, mèo mắc bệnh dại cắn, cào, cấu hay liếm vào niêm mạc, chân tay bị xây sát hoặc bị nhiễm virus dại (do tiếp xúc với nước bọt của chó dại tiết ra ở ngoài thiên nhiên) đều có thể bị mắc bệnh dại.

Người đã bị chó dại cắn phải thực hiện tiêm kháng huyết thanh và vác xin phòng Dại ngay. Nếu người bị chó dại cắn không được tiêm phòng kịp thời khi thì không cứu chữa được và sẽ bị chết.

1. Dấu hiệu nhận biết chó nghi bệnh Dại

1.1. Dấu hiệu thể dại điên cuồng ở chó

Thời kỳ tiền lâm sàng: chó trốn vào góc tối, khu vực kín đáo. Đến gần chủ một cách miễn cưỡng hoặc ngược lại. Thỉnh thoảng sủa vu vơ, hú lên từng hồi hoặc bồn chồn...

Thời kỳ điên cuồng: Dễ bị kích động, cắn sủa người lạ dữ dội.

Chó bỏ ăn, khó nuốt, sốt cao, mắt đỏ ngầu, giãn đồng tử. Có biểu hiện khát nước, muốn uống nhưng không uống được.

Nước dãi nhiều, sùi bọt mép, bồn chồn, sợ sệt. Cắn vu vơ hay giật mình. Đi lại không có chủ định, trở nên hung dữ, bỏ nhà đi và không trở về, tấn công chó khác và cả người.

Thời kỳ bại liệt: Chó bị liệt. Liệt hàm dưới và lưỡi nên trễ hàm, thè lưỡi ra ngoài, nước dãi chảy, không nuốt được thức ăn, nước uống. Chân sau liệt ngày càng rõ. Chó chết trong khoảng từ 3 - 7 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên. Nguyên nhân do liệt cơ hô hấp và do kiệt sức vì không ăn uống được.

1.2 Dấu hiệu thể dại câm ở chó

Không có các biểu hiện lên cơn dại điên cuồng, ở thể dại câm chó chỉ có biểu hiện buồn rầu. Có hể bị bại liệt ở một phần cơ thể, nửa người hoặc 2 chân sau nhưng thường là liệt cơ hàm, mồm luôn , hàm trễ xuống, lưỡi thè ra. Nước dãi chảy lòng thòng, không cắn, sủa, chỉ gầm gừ trong họng.

Quá trình này tiến triển khá nhanh, chỉ từ 2 - 3 ngày.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh dại cho đàn chó nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho con người thì biện pháp duy nhất hiện nay là thực hiện tiêm phòng triệt để vacxin Dại cho đàn chó, mèo hiện đang nuôi ở các gia đình.

II. MỘT SỐ KHUYẾN CÁO TRONG PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI.

1. Khi phát hiện chó, mèo bị bệnh dại hoặc nghi dại, cần thực hiện:

• Không tiếp xúc với con vật, tuyệt đối không bán để hạn chế sự lây nhiễm vi rút dại sang người và lây lan dịch

• Phải báo cáo ngay cho chính quyền, y tế, thú y thôn bản và xã/phường, để có biện xử lý ngay con vật bị dại và những con vật đang sống tại đó.

• Phải chôn sâu xác những con vật bị dại cùng với các chất sát khuẩn như xút, hóa chất, vôi cục chưa tôi hoặc vôi bột...

2. Người bị chó, mèo dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng cần thực hiện:

Khi bị chó, mèo dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng cần phải coi đó là trường hợp cấp cứu. Trước hết phải xử lý tại chỗ vết thương, sau đó phải đến các điểm tiêm phòng có biện pháp xử lý cụ thể cho từng trường hợp.

3. Xử lý tại chỗ vết thương như thế nào là tốt nhất

Khi bị Chó dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng phải rửa ngay thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối hoà đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn, cồn iốt đậm đặc... xử lý tại chỗ vết thương là để sát khuẩn, làm giảm đến mức tối thiểu lượng virus dại tại nơi xâm nhập. Chú ý khi rửa vết thương không được làm dập nát vết thương và chỉ khâu vết thương sau 3-5 ngày để hạn chế virus tản phát.

4. Những trường hợp người bị súc vật cắn phải đi tiêm phòng dại ngay, phải tiêm vaccin dại và huyết thanh kháng dại:

• Con vật lên cơn dại hoặc nghi dại.

• Vết cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục... dù vết cắn nhẹ.

• Có nhiều vết cắn nguy hiểm, vết cắn sâu.

• Không theo dõi được con vật.

• Tại nơi người bị súc vật cắn đang có hoặc trước đó đã từng có súc vật bị dại.

5. Những trường hợp nào chỉ cần theo dõi chó, mèo:

Trường hợp vết cắn rất nhẹ, vết cắn xa thần kinh trung ương (ví dụ ở cẳng chân). Tại thời điểm con vật cắn người, con vật đó vẫn sống bình thường, hoàn toàn không có dấu hiệu nghi ngờ dại. Tại nơi bị con vật cắn, không phát hiện có bệnh dại ở súc vật.

Cần theo dõi con vật 15 ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu thấy con vật có biểu hiện không bình thường như: ốm, bỏ ăn, chết, mất tích, bán hoặc mổ thịt... phải đến điểm tiêm phòng dại để được điều trị dự phòng ngay. Nếu sau 15 ngày kể từ khi người bị con vật cắn, tiếp xúc mà con vật đó vẫn sống bình thường thì không cần điều trị dự phòng.

6. Để đạt hiệu quả cao, khi tiêm phòng dại cho người cần chú ý

• Phải tiêm sớm ngay sau khi bị cắn hoặc tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại.

• Phải tiêm đủ số mũi, đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo chỉ định của bác sĩ đối với từng loại vaccin dại và phác đồ tiêm.

• Phảt tiêm đúng liều lượng, đúng kỹ thuật và vaccin phải được bảo quản ở nhiệt độ 4oC - 8oC.

• Trong thời gian tiêm không nên làm việc quá sức, không uống rượu và dùng các chất kích thích.

• Không dùng các thuốc có dạng corticoid, ACTH, các thuốc làm giảm miễn dịch... trong và sau khi tiêm phòng dại 6 tháng.

Ngày15/3/2024

 

BAN NÔNG NGHIỆP XÃ HOẰNG THẮNG 
0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
280949